Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

 

Sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn đang “ngóng” chính sách cho mô hình này.

Sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn đang “ngóng” chính sách cho mô hình này.

Đó là chia sẻ của ông Chu Đức Anh – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Theo ông Đức Anh, hiện nay nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà đang là giải pháp cần thiết và tối ưu cho doanh nghiệp, nhưng các quy định hiện nay còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thành một khung chính sách rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Ông Chu Đức Anh – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

– Thưa ông, với mục tiêu thực hiện Net Zero vào năm 2050 và chịu áp lực về Cơ chế carbon với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào đầu năm 2026, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế?

Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế là rất lớn và cấp thiết. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 335 khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng diện tích đất thuê khoảng 97.800 ha, trong đó có 260 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 76%. Các khu công nghiệp, khu kinh tế tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng điện của cả nước và có xu hướng tăng cao. Đây là những đơn vị có tiềm năng phát thải khí nhà kính rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng gặp không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian hoàn vốn dài và nguồn cung không ổn định. Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi thuế cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng và vận hành hạ tầng lưới điện thông minh, linh hoạt và an toàn để đảm bảo sự liên kết giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Khu công nghiệp VSIP – Hải Phòng còn khá nhiều diện tích mái nhà xưởng trống chờ lắp điện mặt trời mái nhà

– Với kế hoạch tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà được các khu công nghiệp triển khai, áp dụng như thế nào thưa ông?

Phát triển năng lượng hiện đang là xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc của ngành năng lượng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua mà Việt Nam cam kết mạnh mẽ cũng đã xác định mục tiêu đạt phát thải ròng (lượng khí thải độc hại phát thải vào môi trường) bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 14 KCN đã thành lập; tổng diện tích đất công nghiệp là khoảng 4.548 ha. Với mật độ xây dựng tối đa các công trình nhà xưởng 60% là khoảng hơn 2.700 ha, có thể lắp đặt tối đa khoảng 8.319.512 tấm pin điện mặt trời trên mái các nhà xưởng, tương đương với tổng công suất là 3411 Mwp.

Tại một số KCN đã và đang từng bước đầu tư lắp đặt và khai thác hệ thống năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là hệ thống điện mặt trời mái nhà, cụ thể là:

Hệ thống điện lắp đặt trên mái nhà xưởng xây sẵn tại KCN Đình Vũ với tổng diện tích lắp đặt các tấm quang điện mặt trời là 21.865 m2, công suất 2,152 MWp, sản xuất lượng điện hàng năm ước tính 2.371 MWh/năm.

Hệ thống điện lắp đặt tại phần mái nhà xưởng xây sẵn của Công ty Cổ phần Quản lý chuỗi cung ứng Jupiter Hải Phòng Việt Nam tại KCN Deep C2B với tổng diện tích lắp đặt các tấm quang điện mặt trời là 5.760 m2, công suất 0,933 MWp, sản xuất lượng điện hàng năm ước tính 1.028 MWh/năm.

Công trình “Điện mặt trời áp mái Sembcorp infra services Hải Phòng và Điện mặt trời áp mái Sembcorp infra services Hải Phòng 2” tại KCN VSIP Hải Phòng trên mái của các nhà kho liền kề, gồm hơn 4.500 tấn pin mặt trời trên tổng diện tích gần 12.000 m2, tổng công suất hơn 2.500kWp.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã chủ trì, phối hợp cùng Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn một số nhà đầu tư thứ cấp (Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam, Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng, Công ty Cổ phần Tường Viên Nam Đình Vũ… ) về trình tự, thủ tục việc đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng tại các khu nghiệp.

– Trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển dịch dần sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, Ban quản lý KKT Hải Phòng đã gặp những khó khăn vướng mắc nào, thưa ông?

Quá trình chuyển dịch dần sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp là một quá trình cần thiết và có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc, trong đó có thể kể đến những điểm sau:

Khó khăn về chính sách và quy hoạch: Các chính sách và quy hoạch ngành năng lượng cần phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán và minh bạch để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển và vận hành các dự án năng lượng xanh. Tuy nhiên, các quy định hiện nay còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thành một khung chính sách rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Quy hoạch điện VIII hiện sau thời gian dài được phê duyệt vẫn còn nhiều vướng mắc, phải chờ Kế hoạch để có thể triển khai. Ngoài ra, các chính sách cũng cần phải đảm bảo công bằng và khả năng chi trả cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng.

– Để Khu kinh tế Hải Phòng trở thành một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển mục tiêu sinh thái trong khu công nghiệp, ông có những vấn đề nào cần đề xuất?

Với những ưu thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và sân bay quốc tế, các KCN tại Hải Phòng nhận được sự quan tâm rất lớn để đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, với những yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển khu công nghiệp sinh thái; trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có khả năng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu chất thải. Các chính sách này có thể bao gồm: giảm thuế, miễn phí thuê đất, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng chống dịch bệnh… Tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài các KCN, KKT Hải Phòng để tạo ra các chuỗi giá trị liên ngành, liên vùng. Khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh trong các KCN, KKT Hải Phòng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến và xanh. Tăng cường hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và viện khoa học trong và ngoài nước để thúc đẩy sáng tạo và đổi mới.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Link gốc


Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/

Liên hệ công ty khi có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tại Nha Trang hoặc trong tỉnh Khánh Hòa

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ CÔNG NGHỆ QUỲNH AN

Hotline: 033.74.99888 – 0907.62.3999

Dẫn đường Google map: Bấm vào đây để xem đường đi

Website: www.solar-nhatrang.com www.quynhanmobile.com

Facebook: Solar Nha Trang – Lắp điện năng lượng mặt trời

Văn phòng : 592 Lê Hồng Phong, Phường Phước Hải, TP Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *