Nhóm giải pháp trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Nhóm giải pháp trong quá trình chuyển đổi năng lượng

(Tin tức) – Những chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, hydro…sẽ bù đắp nhu cầu thiếu hụt năng lượng trong tương lai, cũng như đáp ứng chiến lược chuyển dịch sang nền kinh tế xanh.

Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu năng lượng để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tếxã hội. Chính vì vậy, những chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, hydro…là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, năng lượng tái tạo sẽ bù đắp nhu cầu thiếu hụt năng lượng trong tương lai, cũng như đáp ứng các chiến lược chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Thứ nhất chúng ta phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nguồn chạy điện nền thay thế điện than, đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ngày 3/7 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, mở ra bước tiến cho thị trường điện, mở rộng thêm người bán, người mua trong thị trường. Đặc biệt, việc này tạo cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo nhằm đạt được các tiêu chí về tín chỉ carbon. Một điểm nữa là chúng ta chờ đợi cơ chế điện mặt trời tự sản tự tiêu. Hiện nay, việc này cũng đang được rà soát tiến tới bước thu gọn lại và sẽ sớm có Nghị định. Tiếp nữa là ban hành quy định huy động các nguồn điện linh hoạt và khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ và thủy điện tích năng. Đây là những quy định về điều kiện thị trường của tất cả các thành tố trên một hệ thống có thể tích hợp được năng lượng tái tạo cao và thực hiện đúng được việc chuyển dịch năng lượng”.

Nhóm giải pháp trong quá trình chuyển đổi năng lượng- Ảnh 1.

Ngày 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, mở ra bước tiến cho thị trường điện năng lượng tái tạo.

Do đặc tính chịu tác động từ tự nhiên nên năng lượng tái tạo có tính ổn định thấp hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống, đây là một trong những rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hoàng Lương, chuyên gia Khoa học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đưa ra một số khuyến nghị.

“Thứ nhất là chúng ta tăng cường khả năng dự báo năng lượng tái tạo về nguồn, để có thể chủ động hơn trong hệ thống. Thứ hai, chúng ta phải phát triển hệ thống lưới điện linh hoạt hơn. Vấn đề này cũng sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí. Ngoài ra, yếu tố về tích trữ năng lượng cũng là vấn đề lớn. Chúng ta dự tính tích năng từ nay đến năm 2030 là 2700 megawatt điện tích năng. Nếu chúng ta có thể tích trữ được năng lượng trong giai đoạn năng lượng tái tạo bất ổn thì sẽ hữu ích. Do, chúng ta có thể hài hòa được tần số lưới điện, san bằng được phụ tải. Ngoài ra, việc tích năng sẽ phát triển được hệ thống lưới điện phân tán, từ đó sẽ giảm tải được việc đầu tư nguồn cho năng lượng tái tạo”.

Theo các chuyên gia, trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo thì các địa phương cần được hỗ trợ, bởi vì hiện nay vai trò của các địa phương tuy đã được chú trọng hơn nhưng khi triển khai còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó là việc cho sớm triển khai cơ chế thí điểm điện gió ngoài khơi, dự án điện khí hóa lỏng và thí điểm, đầu tư một số cơ sở sản xuất năng lượng mới như hydro xanh, amoniac xanh và nhiên liệu sinh học tổng hợp.

Còn đối với các nguồn khí trong nước, chúng ta phải bám sát tiến độ dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh. Hai dự án có tổng khoảng 7000 megawatt sẽ hình thành chuỗi công nghiệp điện khí rất quan trọng.

Điểm cuối cùng là thực hiện nghiêm cơ chế điều chỉnh giá, đây sẽ là tín hiệu của thị trường để huy động được thêm các nguồn lực từ xã hội, trong nước và quốc tế.

Link gốc: https://baochinhphu.vn/nhom-giai-phap-trong-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-102240712123924476.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *