Cơ chế nào thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo?
Nhờ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc, song tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn và dư địa rất dồi dào.
Nhờ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc, song tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn và dư địa rất dồi dào.
Dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn: “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Trong vài năm qua, nhờ các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.
Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và dư địa phát triển rất dồi dào. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới như: hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện do phải tối ưu hoá nguồn điện mới vào hệ thống…
“Hiện tại, trên thực tế, có nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời, phải giảm phát tới 60% công suất, gây lãng phí nguồn lực của xã hội và đang trở thành nguyên nhân cản trở nỗ lực thu hút đầu tư, xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện”, ông Phòng cho biết.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo chưa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khi đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo còn tồn tại yếu tố tự phát chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội và công cuộc bảo vệ môi trường hiệu quả.
Bàn về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Nguyễn Ninh Hải, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44% vào năm 2050.
Cùng với đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.
Theo ông Nguyễn Ninh Hải, tỷ trọng cao của các nguồn điện gió, điện mặt trời đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện.
Trong khi đó, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo tại dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng từ 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045; trong đó, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi. Với điện gió sẽ ưu tiên hơn đối với điện gió ngoài khơi và điện rác.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Ninh Hải cho biết, quy hoạch điện VIII xác định một số giải pháp về cơ chế chính sách, như với các dự án quy mô lớn sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán với EVN về giá mua bán điện.
Đồng thời, mua bán điện trực tiếp DPPA. Với hệ thống phân tán sẽ quy định tỷ lệ tự dùng cao từ 80-90%, điện dư mua giá thay đổi hàng năm…Hiện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đang xây dựng khung giá phát điện điện gió, quy định đấu thầu… và phương pháp, nội dung đàm phán với EVN về lĩnh vực này.
Nguồn bnews.vn
Liên hệ công ty khi có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tại Nha Trang hoặc trong tỉnh Khánh Hòa
CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ CÔNG NGHỆ QUỲNH AN
Hotline: 033.74.99888 – 0907.62.3999
Dẫn đường Google map: Bấm vào đây để xem đường đi
Website: www.solar-nhatrang.com.com www.quynhanmobile.com
Facebook: Solar Nha Trang – Lắp điện năng lượng mặt trời
Văn phòng : 592 Lê Hồng Phong, Phường Phước Hải, TP Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa