Doanh nghiệp “đua” với thời hạn áp giá mới cho điện mặt trời

Doanh nghiệp “đua” với thời hạn áp giá mới cho điện mặt trời

Doanh nghiệp “đua” với thời hạn áp giá mới cho điện mặt trời

 

Giá điện mặt trời mới đã chính thức được ban hành theo Quyết định 13 sau chín tháng Quyết định 11 hết hiệu lực, từ 30.6.2019. Tuy nhiên thời hạn mới áp dụng đến 31.12.2020 lại là thách thức lớn với nhiều chủ đầu tư khi chỉ có 7 tháng triển khai dự án, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành khiến các hoạt động khó khăn hơn. 

Hơn 9 tháng kể từ khi kết thúc thời điểm áp dụng cơ chế giá ưu đãi 9,35 cent/kWh cho điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mới, dự kiến có hiệu lực từ 22.5.2020 và áp dụng đến 31.12.2020.

Theo quyết định này, giá mua điện với cả ba loại hình đều thấp hơn so với mức ưu đãi 9,35 cent/kWh trước đó. Cụ thể, giá mua điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; giá điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; và giá điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh. Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Nguồn: Bộ Công Thương, EVN

Quyết định nêu rõ đối tượng áp dụng cơ chế mới phải là các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23.11.2019 và vận hành thương mại trước 31.12.2020. Các dự án còn lại sẽ không được áp cơ chế giá FIT mà sẽ thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Theo đó, trên cơ sở quyết định mới sẽ có khoảng 36 dự án với tổng công suất 3.000 MW, tương đương 5% tổng công suất quy hoạch, đáp ứng điều kiện.

Cơ chế giá mới được nhiều doanh nghiệp chờ đợi để có cơ sở tính toán triển khai dự án. Tuy nhiên, thời hạn đặt ra trong quyết định mới khiến một số doanh nghiệp lo ngại về khả năng triển khai kịp thời hạn để hưởng mức giá FIT trên. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang làm trì trệ nhiều hoạt động, có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Ông Đào Du Dương, chủ tịch hội đồng quản trị Bảo Long Solar Energy Group – công ty đang vận hành gần 300 MW công suất điện mặt trời và còn 5 dự án có công suất đăng ký 500 MW (bao gồm điện mặt trời mặt đất và điện áp mái) – cho rằng vấn đề chính “không nằm ở mức giá mà ở thời hạn của quyết định.”

Theo ông Dương, kể từ thời điểm quyết định có hiệu lực vào tháng 5 cho đến 31.12.2020, tức doanh nghiệp có khoảng 7 tháng triển khai dự án. Điều này là khả thi với các dự án công suất nhỏ nhưng với những dự án điện mặt trời trên mặt đất công suất từ 50MW trở lên là khó khả thi.

Doanh nghiệp còn phải có thời gian để ngân hàng thẩm định hồ sơ kỹ thuật để giải ngân. Một dự án muốn vận hành trơn tru còn mất khoảng hai tháng chạy thử nghiệm và có chứng chỉ phát điện. Chưa kể cần thời gian để lựa chọn nhà thầu, đấu thầu mua thiết bị… “Việc huy động nhân lực, vật lực cũng như mua sắm, nhập khẩu thiết bị trong giai đoạn này cũng rất khó khăn dưới tác động của dịch Covid-19,” ông Dương nói với Forbes Việt Nam.

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp có cả dự án điện mặt trời và điện gió không nêu tên cũng cho rằng nếu xét thời hạn thì trong số 36 dự án được áp dụng, chỉ có những dự án đã hoàn thành cơ bản hoặc đã chuẩn bị từ trước nhưng chưa kịp vận hành trước 30.6.2019 mới có khả năng kịp tiến độ. “Cho nên giá FIT2 này hầu như không có ý nghĩa với các dự án nằm ngoài 36 dự án trên,” doanh nghiệp này cho biết.

Trên thực tế, đầu tư điện mặt trời là lĩnh vực dài hạn nên đòi hỏi tiềm lực tài chính đủ mạnh để vận hành dự án mà không phải chịu nhiều áp lực từ vốn đòn bẩy. “Nếu làm bài bản thì một dự án có công suất lớn từ khi bắt đầu lập hồ sơ, thẩm định chờ giải ngân, giải phóng mặt bằng, lắp đặt nhà máy… cho đến khi hòa lưới phát điện phải tính bằng năm,” đại diện doanh nghiệp không nêu tên này nói.

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến ngành điện, trong báo cáo cuối tháng 2, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ gây chậm tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện của EVN, cũng như các nhà đầu tư bên ngoài dẫn tới khó khăn trong cung ứng điện giai đoạn 2021-2025.

Bà Lê Thị Minh Tâm – tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ năng lượng mới JL Việt Nam – một công ty đầu tư, cung cấp thiết bị và giải pháp tài chính trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đánh giá việc triển khai các dự án điện mặt trời ở thời điểm này có nhiều điểm khác so với trước đây. “Dịch bệnh đang khiến doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán kinh doanh, đưa ra các kịch bản ứng phó ngay cả với các doanh nghiệp năng lượng”, bà Tâm nói.

Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, đi lại mà còn tiềm ẩn rủi ro, ngân hàng cũng dè dặt hơn trong quyết định giải ngân. “Nếu tình hình được kiểm soát tốt trong tháng 5 thì ảnh hưởng không nhiều nhưng nếu kéo dài đến tháng 6 hoặc lâu hơn nữa thì việc chậm tiến độ là khó tránh khỏi”, bà Tâm nói với Forbes Việt Nam.

Trong lúc thị trường rơi vào “vùng trũng” thông tin và chờ quyết định giá mới, vẫn có các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn thiết bị, chấp nhận “luật chơi”, vừa đợi vừa làm. “Nếu chờ có giá mới mới bắt đầu làm thì rất khó,” theo bà Tâm.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Forbes Việt Nam, một số dự án đang được gấp rút triển khai. Những ngày đầu tháng 3, tập đoàn Hà Đô đã xúc tiến nhà máy điện mặt trời Infra 1 (Ninh Thuận) theo tiến độ hoàn thành vào tháng 7.2020. Dự án có công suất 50MW với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng và là dự án điện mặt trời thứ 2 của Hà Đô trong lĩnh vực năng lượng, sau nhà máy Hồng Phong 4 đã phát điện tháng 6.2019.

Tập đoàn Sao Mai hiện vận hành hai nhà máy điện mặt trời tại An Giang và Long An cũng cho biết với quyết định mới này nút thắt đã được cởi bỏ để họ yên tâm sản xuất và gia tăng nguồn thu ổn định.

Theo đó, để kịp hưởng mức giá tốt trong 20 năm tới, Sao Mai gấp rút hoàn thành giai đoạn 2 của Sao Mai Solar PV1 tại An Giang với công suất 58MW, nâng tổng công suất lên 104 MW trong tổng công suất thiết kế 210 MW của dự án, có tổng đầu tư công bố 200 triệu USD.

Đơn vị này cũng cho biết kế hoạch mở rộng đầu tư thêm nhà máy điện mặt trời tại Đăk Lăk với công suất 700MW, tại Bến Tre công suất 60MW, Kiên Giang có công suất 200MW trong thời gian tới.

“Mức giá 7,09 cent/kWh cho dự án điện mặt trời mặt đất chỉ thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư có năng lực hơn là những nhà đầu tư thiên về mua bán, chuyển nhượng dự án. Chi phí đất đai là vấn đề lớn, phải là những chủ đầu tư có năng lực thì ngân hàng mới giải ngân nhanh và cả nhà cung cấp thiết bị mới chấp nhận cho hợp đồng trả chậm L/C dài hơn với mức phí thấp hơn,” đại diện JL Việt Nam nói.

Link gốc

Liên hệ công ty khi có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tại Nha Trang hoặc trong tỉnh Khánh Hòa

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ CÔNG NGHỆ QUỲNH AN

Hotline: 033.74.99888 – 0907.62.3999

Dẫn đường Google map: Bấm vào đây để xem đường đi

Website: www.solar-nhatrang.com.com www.quynhanmobile.com

Facebook: Solar Nha Trang – Lắp điện năng lượng mặt trời

Văn phòng : 592 Lê Hồng Phong, Phường Phước Hải, TP Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *