Tại Quảng Bình, việc khai thác điện năng lượng mặt trời đã được ứng dụng nhiều địa phương. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là: với mô hình nhà máy điện mặt trời cần mặt bằng diện tích lớn, nhiều vốn, trải qua nhiều khâu phê duyệt, thẩm định, mất thời gian…, còn với mô hình trạm cấp ĐMTMN có công suất nhỏ (<3kWp) trở xuống thường được thực hiện theo kinh nghiệm và tự tìm hiểu trên mạng nên không bảo đảm về an toàn, cơ sở kỹ thuật, độ bền, tính tối ưu và chưa khai thác được hết công suất hệ thống.
Thực hiện mô hình “Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt mô hình trạm cấp điện pin năng lượng ĐMTMN nhà có hòa lưới” nhằm khắc phục các khuyết điểm, giới thiệu, phát triển và nhân rộng mô hình ra nhiều doanh nghiệp, khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
ĐMTMN tạo ra một nguồn điện độc lập, xanh sạch và bảo vệ môi trường
Thực hiện mô hình, nhóm thực hiện đã điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu lắp đặt và sử dụng hệ thống của khách hàng, đồng thời lắp đặt và vận hành hệ thống thử nghiệm. Từ đó, tính toán và phân tích các thông số vận hành, chi phí đầu tư để đánh giá hiệu quả kinh tế mà hệ thống năng lượng mặt trời đem lại, giới thiệu tính ưu việt, hiệu quả đầu tư và nhân rộng mô hình đến các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu sử dụng ĐMTMN hòa lưới.
Với công suất lắp đặt của hệ thống là 20,8kWp, bao gồm 52 tấm pin năng lượng loại đa tinh thể (mono) 400Wp của hãng Jinko Solar, 4 bộ chuyển đổi điện năng (Inverter), áp dụng mô hình trạm cấp điện pin mặt trời mái nhà hòa lưới, không lưu trữ, sau thời gian lắp đặt, chạy thử vào cuối tháng 1-2020 và hòa lưới vận hành ổn định từ ngày 15-2-2020, tính cho đến hết ngày 19-8-2020, hệ thống điện năng lượng mặt trời đã tạo ra được 16.284kWh, bình quân khoảng 88kWh/ngày.
Tổng sản lượng điện bán cho EVN là 13.698kWh thu về được số tiền hơn 26.000.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đã giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành Điện, nhất là vào mùa nắng nóng.
Ông Võ Trùng Dương, Chủ nhiệm mô hình cho biết: Hiệu quả mô hình là rõ ràng, tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu khá lớn là trở ngại không nhỏ để các doanh nghiệp, cá nhân áp dụng mô hình này. Để doanh nghiệp, cá nhân quan tâm, tin tưởng khi có ý định lắp đặt hệ thống ĐMTMN thì vấn đề đầu ra của điện mặt trời phải được bảo đảm, ngoài việc chuẩn bị hạ tầng lưới điện tốt để thực hiện lắp đặt công tơ điện, đấu nối lưới điện thuận lợi… thì các thủ tục mua bán điện được công khai, minh bạch và nhanh chóng sẽ khiến người dân tin tưởng đầu tư.
Đặc biệt, cần có chính sách về kinh tế, tài chính như hỗ trợ một phần kinh phí, cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án năng lượng mặt trời, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị vật tư, máy móc… nhằm giảm giá thành, rút ngắn thời gian thu hồi vốn để khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tích cực tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng ngày càng nhiều hơn nữa.
Như vậy, ĐMTMN tạo ra một nguồn điện độc lập, góp phần bảo vệ môi trường và giúp làm giảm hóa đơn tiền điện, thậm chí người dùng có thể không cần tham gia vào mạng lưới điện. Thực hiện mô hình ĐMTMN sẽ góp phần giảm áp lực về điện trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch phục vụ cho sản xuất điện đang gặp khó khăn và giá điện có xu hướng tăng lên. Trong số những nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, điện mặt trời có tính khả thi cao, dễ thực hiện. Vì vậy, ĐMTMN hy vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn và trở nên phổ biến hơn trong tương lai.