Mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm, 22 hồ nuôi tôm trên cát của anh Trần Sơn Nhật (36 tuổi), ở xã Đức Minh huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), đã trở thành mô hình tiên phong của tỉnh trong sử dụng điện mặt trời vào nuôi trồng thủy sản.
Phát triển mô hình nuôi tôm trên cát với quy mô gần 3ha, gồm 22 hồ nuôi tại vùng biển xã Đức Minh gần 4 năm qua, nhưng năm 2021 anh Nhật mới sử dụng điện mặt trời vào sản xuất.
Nói về lợi ích khi ứng dụng điện mặt trời trong nuôi tôm, anh Nhật chia sẻ: “Là vùng nuôi tôm tập trung, vào những lúc cao điểm, các hồ cùng chạy quạt cung cấp oxy cho tôm, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện thường xuyên diễn ra. Còn khi sử dụng điện năng lượng mặt trời, chúng tôi giải quyết được tình trạng điện chập chờn, hay quá tải. Chi phí tiền điện cũng giảm được 60% so với trước”.
Nhận thấy đặc thù thời tiết khu vực ven biển thường xảy ra gió bão, triều cường, nên để hạn chế rủi ro, anh Nhật không lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ngay tại hồ nuôi tôm, mà đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cách ao nuôi tôm khoảng 800m.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời do anh Trần Sơn Nhật, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) xây dựng để phục vụ nuôi tôm
“Tôi mở một trang trại nuôi gà ngay sau rừng phòng hộ ven biển xã Đức Minh – cách các hồ nuôi tôm 800m rồi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại đây. Nhờ có rừng phòng hộ che chắn, mà hệ thống điện năng lượng mặt trời tại đây hạn chế được nhiều rủi ro do thời tiết gây ra. Từ hệ thống này, tôi tiếp tục xây dựng đường dây truyền tải điện từ trang trại nuôi gà đến hồ tôm. Nhờ đó, hồ tôm vừa sử dụng được điện năng lượng mặt trời, vừa hạn chế nguy cơ công trình điện bị hư hỏng, xuống cấp do bão gió, triều cường so với khi lắp pin mặt trời trực tiếp tại hồ”, anh Nhật cho biết.
Từ hệ thống điện năng lượng mặt trời này, bình quân mỗi ngày, anh Nhật thu về từ 1.000 – 5.500kWh điện/ngày. Lượng điện này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của 22 hồ nuôi tôm (3.300 – 3.500kWh/ngày) và trang trại chăn nuôi gà quy mô 24 nghìn con/năm, vừa giúp anh Nhật có lượng điện dư thừa truyền lên lưới điện quốc gia để bán lại cho Nhà nước.
Đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi tôm vì khi tiết kiệm đáng kể chi phí, giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện… Tuy nhiên, theo anh Nhật, để ứng dụng mô hình này, người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi tôm khu vực ven biển cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng vị trí lắp đặt để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Đồng thời, cần cân nhắc chi phí đầu tư với thời gian thu hồi vốn, bởi thời gian thu hồi vốn sau đầu tư cần nhiều năm, nên mô hình này không dành cho những hộ có ý định gắn bó ngắn hạn với nghề nuôi tôm.
Nguồn baoquangngai.vn